Thông tin chung về bệnh
Thông tin trong phần Hỏi & Đáp chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng kiểm tra tình trạng bệnh kĩ càng với bác sĩ điều trị trực tiếp để biết thêm chi tiết. Website Kiến thức Tiểu đường không chịu trách nhiệm cho bất cứ trường hợp nào không tìm hiểu kĩ thông tin. Các thông tin tại mục này được đăng tải với mục đích hỗ trợ quá trình điều trị của bệnh nhân. Không dùng để thay thế cho chỉ dẫn của bác sĩ điều trị trực tiếp.
Tiểu đường là tình trạng lượng glucose trong máu (lượng đường trong máu) vượt quá tỷ lệ nhất định.
Sinh bệnh học hay còn gọi là các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường có liên quan đến di truyền, các bệnh lý về gen hoặc do môi trường. Tùy theo loại bệnh đái tháo đường mà phân ra các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau. Ví dụ, bệnh nhân đái tháo đường loại 1 thường xuất hiện ở người trẻ nhiều hơn, do tuyến tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối, phải sử dụng đến insulin ngoại sinh. Khi tuyến tụy bị phá hủy từ 75-80% thì bệnh sẽ xuất hiện trên lâm sàng và người bệnh thường đến bệnh viện với tình trạng cạn kiệt insulin hoàn toàn.
Bình thường, tuyến tụy có chức năng nội tiết và ngoại tiết. Về chức năng nội tiết, tế bào beta tiết ra hoóc-môn gọi là insulin, có tác dụng làm hạ mức đường trong máu xuống, điều hòa và ổn định, để không bị mất cân bằng lượng đường huyết. Ở người bình thường, khi ăn vào, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, kích thích tế bào beta sản sinh ra insulin, đưa lượng đường huyết trở về mức bình thường. Khi tụy không tiết ra insulin nữa, sẽ khiến chúng ta mắc bệnh đái tháo đường.
Nếu bệnh nhân bị nhiễm đái tháo đường thể đặc biệt, thì có liên quan đến các bệnh lý về gen, làm giảm chức năng hoạt động của tế bào beta (tế bào tiết ra insulin). Có thể do bệnh nhân tiếp xúc các loại thuốc như thuốc diệt chuột, thuốc corticoid điều trị viêm khớp, hóa chất… hoặc bị nhiễm trùng, nhiễm virus, chấn thương tụy (ung thư tụy, cắt bỏ tụy).
Ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2 hay đái tháo đường thai kỳ, các nguyên nhân cũng tương tự nhau: do di truyền (trong gia đình có người thân mắc bệnh); do môi trường, xã hội ngày càng phát triển, khiến chúng ta có một lối sống lười vận động, thường xuyên dùng ôtô/xe máy mà ít khi đi bộ hay đi xe đạp; chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, quá dư thừa năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì.
Bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Liên đoàn Y tế thế giới, trong năm 2015 có đến 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, nhưng nếu tính đến 25 năm sau (tức vào năm 2040), thì con số này sẽ lên đến 642 triệu người (tăng 54%). Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2012, cả nước có hơn 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng, và ước đoán là 10 năm sau sẽ ở mức 200%, tức vào khoảng 10 triệu người mắc bệnh. Vậy chúng ta cần phải có những giải pháp để phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng.
Hầu hết mọi người cho rằng có thể chữa lành bệnh đái tháo đường, nhưng thực tế thì đây là một căn bệnh không thể điều trị dứt điểm. Người bệnh không chết vì bệnh đái tháo đường mà chết vì biến chứng của nó. Nên tôi hi vọng có thể chia sẻ với các bạn về chế độ ăn uống, vận động cũng như sử dụng thuốc hợp lý, qua đó ngăn chặn và kiểm soát các biến chứng của bệnh.